Hoàn cảnh Chiến_dịch_Hòa_Bình

Kế hoạch của Pháp

Sau thất bại ở Chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, tiếp đó lại bị đánh mạnh ở đường 18, Hà Nam Ninh, quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Chi phí cho Chiến tranh Đông Dương càng ngày càng nặng và càng đào sâu túi tiền của dân Pháp, hơn nữa, những chi phí đó còn vượt qua những chi phí kiến thiết mà nước Pháp đang cần. Tới năm 1951, chi phí cho chiến tranh Đông Dương đã lên tới 308 tỷ franc, gấp 2,5 lần chi phí cho tái thiết đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Pháp. Do đó, tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny phải cần một hành động hiệu quả và một thắng lợi để có tiếng vang gây thiện cảm ở Quốc hội Pháp.

Để giành lại quyền chủ động, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Đà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm nối lại "Hành lang Đông - Tây", thực hiện tăng cường khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với các liên khu 3 và 4. Ở Hòa Bình, Pháp cho thành lập các "Xứ M­ường tự trị" để thực hiện "Da vàng hóa chiến tranh", nhằm dùng các lợi ích về kinh tế - chính trị để thuyết phục người dân tộc thiểu số đi lính cho Pháp.

Cuối tháng 10 năm 1951, vừa trở lại Hà Nội, de Lattre tuyên bố: "Đã tới lúc giành lại thế chủ động trên chiến trường, buộc Việt Minh phải tiếp nhận chiến đấu trên một địa điểm do Pháp lựa chọn".[2] De Lattre đã thống nhất với Raoul Salan về đề xuất đánh chiếm Hòa Bình. Từ Hòa Bình để mở đường đánh chiếm vùng tự do Liên khu 4 với các cuộc hành binh:

  • Cuộc hành binh "Hoa Tuylíp" ngày 10 tháng 11 năm 1951, với 12 tiểu đoàn bộ binh và 5 cụm pháo binh của Pháp bất thần chiếm Chợ Bến để cắt đường di chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Dưới quyền chỉ huy của De Linarès, đoàn quân thiết giáp của Đại tá Christian de Castries, toán quân biệt kích của Đại tá Dodelier cùng với đoàn quân lưu động Mường của Đại tá Vanuxem và một tiểu đoàn dù nhảy thẳng xuống trận địa, ba mặt cùng tiến vào Chợ Bến. Đến 5 giờ chiều cùng ngày thì Pháp kiểm soát được khắp vùng Chợ Bến, khoảng 100 cây số vuông, QĐNDVN hầu như không kháng cự mà âm thầm rút lui.
  • Cuộc hành binh "Hoa Sen" ngày 14 tháng 11 năm 1951 do đích thân tướng Raoul Salan chỉ huy, lực lượng gồm 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng cùng với không quân. Buổi chiều 3 tiểu đoàn dù nhảy xuống Hòa Bình, đến nửa đêm 2 binh đoàn cơ động chia làm hai hướng, một theo đường số 6 đến thị xã Hòa Bình, theo sông Đà và sông Hồng tiến chiếm Tu Vũ. Cũng nhảy như hôm tấn công vào Chợ Bến, Hòa Bình bị chiếm dễ dàng, không có sự kháng cự của QĐNDVN.

Đoàn xe thiết giáp và xe ủi đất do hai tiểu đoàn công binh điều khiển tiến theo đường số 6 từ Hà Đông qua Xuân Mai tới Hòa Bình, dài khoảng 60 km, mở đường cho bộ binh. Ngày 15 tháng 11 năm 1951, tướng Salan tuyên bố Pháp kiểm soát được Hòa Bình, khoá cửa ngõ tiếp tế và giao thông của Việt Minh giữa đồng bằng và Việt Bắc. Ngay chiều hôm đó, tướng de Lattre đích thân chủ trì cuộc họp báo tại Hà Nội loan tin chiến thắng Hòa Bình và tuyên bố: "Tiến công Hòa Bình đã gây khó khăn lớn cho đối phương. Tiến công Hòa Bình có ý nghĩa chiến lược là chúng ta đã buộc đối phương phải xuất trận. Trận Hòa Bình có ảnh hưởng quốc tế lớn".[3]

Kế hoạch của Việt Minh

Trước kế hoạch của Pháp, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thị xã Hòa Bình, đập tan phòng tuyến sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 15 tháng 11 năm 1951 Tổng quân ủy họp sau khi thảo luận Hội nghị đã quyết định: đề nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh "cho mở chiến dịch tại Hòa Bình, chuyển hướng hoạt động thụ động sang tiến công địch mới chiếm đóng. Hòa Bình là hướng chính, các nơi khác là hướng phối hợp. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích".

Trong cuộc họp, Bộ Tư lệnh có mời Mai Gia Sinh, cố vấn Trung Quốc tham gia. Mai Gia Sinh nói với Hoàng Văn Thái: "Tôi nghĩ sau mấy chiến dịch gặp khó khăn, mùa đông này ta lên đánh nhỏ như kế hoạch trước đây, nhằm phát động chiến tranh du kích". Ý kiến của cố vấn Trung Quốc đều tỏ ý lo ngại, chưa muốn đánh lớn sau mấy chiến dịch liên tiếp không thắng lợi như mong muốn. Cố vấn Trung Quốc khuyên nên hoạt động nhỏ và phân tán để hạn chế sức mạnh của máy baypháo địch, họ lo ngại phải chịu trách nhiệm nếu tiếp tục lao vào những trận đánh lớn mà thất bại. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quyết tâm tiến hành chiến dịch, các cố vấn Trung Quốc sợ trách nhiệm thì không cần phải tham gia.[4]

Ngày 18 tháng 11 năm 1951, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định: "Đó là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hòa Bình địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hòa Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung du đều tương đối sơ hở hơn trước".[5]

Căn cứ vào nhận định trên, Trung ương chủ trương mở một cuộc tiến công lớn trên cả hai mặt trận: tập trung chủ lực ở hướng chính là Hòa Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 24 tháng 11 năm 1951, Tổng quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình, sử dụng ba Đại đoàn 308, 312, 304 vây hãm và tiêu diệt quân cơ giới ở mặt trận Hòa Bình. Hai Đại đoàn 320, 316 phối hợp với lực lượng vũ trang địa ph­ương và nhân dân phá "bình định" phát triển chiến tranh ở vùng sau l­ưng địch.[6]